Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2007

Phương pháp sản xuất whisky

Phương pháp chung

Các phương pháp sản xuất Whisky khác nhau rất nhiều, nhưng có một điều mà tất cả các phương pháp đều cùng chung đó là trước tiên ngũ cốc được xay thành hạt tấm và được trộn với nước ấm trong thùng kín (mash tun). Qua đó tinh bột được hóa đường. Tiếp theo đó nước mạch nha được trộn với men trong một thùng lên men (wash back hay fermenters) và được lên men.

Chất lỏng phát sinh có khoảng 5% đến 10% rượu, được gọi là wash, ale hay distiller's beer và quả thật là gợi nhớ đến bia. Trong các thiết bị chuyên môn, chất lỏng này được chưng cất nhiều lần. Hơi phát sinh (rượu, chất tạo hương vị) được ngưng tụ (new make). Sau khi được pha loãng với một ít nước, new make được trữ trong thùng gỗ nhiều năm. Mỗi năm có vào khoảng 2,5% rượu bốc hơi ra khỏi các thùng gỗ đã được đóng kín, được gọi là phần của thiên thần (angels share hay angels'dram). Sau quá trình này thường thì Whisky được pha trộn (blend), làm loãng, lọc (ở loại Whisky đặc biệt thì được bỏ qua giai đoạn này) và đóng vào chai.

Các phương pháp đặc biệt

Để sản xuất loại Malt-Whisky, lúa mạch được chế biến thành mạch nha bằng cách làm cho ẩm và cho nẩy mầm. Nhờ vậy enzyme được tạo thành và tạo khả năng hóa đường tinh bột sau đó. Sau 5 đến 8 ngày mạch nha xanh được hong khô. Tại Scotland người ta dùng một loại lò cổ truyền (kiln) và đốt một lượng than bùn nhất định trong lò. Việc này mang lại hương khói đặc trưng của một số Whisky Scotland. Mặc dầu là phương pháp này vẫn còn được sử dụng lác đác, việc gây mạch nha ngày nay được tiến hành trong các nhà máy lớn chuyên môn.

Để sản xuất Malt-Whisky của Scotland và Pot-Still-Whiskey của Ireland "bia" được chưng cất trong những bình bằng đồng có hình giống củ hành (pot still) có cổ phía trên giống như cổ của thiên nga (swan neck). Phần cất có nồng độ rượu từ 60% đến 75%. Tất cả các thử nghiệm thay thế đồng bằng các kim loại ít bị rỉ sét, dễ gia công và rẻ tiền hơn đều thất bại vì hương vị không đạt của Whisky được sản xuất. Việc chưng cất được tiến hành gián đoạn vì bao giờ cũng chỉ có thể gia công được một phần wash nhất định.

Các loại Whisky khác phần lớn được chưng cất bằng cột chưng cất (patent still, column still hay Coffey still). Loại cột này do một người Scot là Robert Stein phát minh và thử nghiệm vào năm 1826 và được người Ireland là Aeneas Coffey cải tiến trong những năm sau đó. Bằng những cột chưng cất này, phần cất được sản xuất có nồng độ rượu tối đa là 94,8%. Loại cột này làm việc liên tục và đây cũng là một ưu điểm lớn về mặt phí tổn.

Kiểu Lomond (Lomond still) do Alistair Cunningham và Arthur Warren phát triển vào năm 1955, một phương pháp pha trộn giữa pot still và column still với một ống xi lanh có nhiều tấm bằng đồng di động bên trong, không đột phá được. Tuy đã được sử dụng trong nhiều lò nấu rượu, ngày nay phương pháp này chỉ còn được sử dụng tại hãng nấu rượu Whisky Scapa.

Trong Liên minh châu Âu Whisky phải đạt được những tiêu chuẩn được quy định trong chỉ thị số 1576/89 ngày 29 tháng 5 năm 1989:


* Được sản xuất bằng cách chưng cất từ nước mạch nha của ngũ
cốc.

* Được chưng cất đến nồng độ rượu ít hơn 94,8 phần trăm thể
tích.

* Được lưu trữ ít nhất là 3 năm trong thùng gỗ có thể chứa 700
lít hay ít hơn.

* Có nồng độ rượu ít nhất là 40 phần trăm thể tích.


Nếu như sản phẩm không đáp ứng được những yêu cầu tối thiểu trên thì không được bán trong Liên minh châu Âu như là Whisky.

Các nước khác có những quy định khác đối với những tiêu chuẩn trên, thí dụ như tại Uruguay thời gian lưu trữ ngắn nhất được quy định là 2 năm.

Tết và chuyện bia rượu

Ta lại tiếp tục seri bài về chuyện Tết. Tết này một trong những điểm khác biệt rõ nhất của ta so với Tết năm ngoái đó là bia rượu. Tết này ta không Karaooke, không tụ tập nhậu nhẹt, chỉ uống một ít vào đêm giao thừa cũng mấy người trong khối, còn lại không đụng đến một tí bia rượu nào cả. Có thể mọi người sẽ cho là Tết núc mà như thế thì kém vui đi. Nhưng ta thì lại không thấy thế. Vui chứ, bắn pháo Hoa đêm giao thừa này, chơi điện tử với thằng em này,...và nhiều nhiều điều vui vẻ khác nữa. Tết này ta cảm thấy ý thức được hơn về sức khoẻ, và ta vẫn cứ giữ nguyên suy nghĩ là rượu chẳng có gì gọi là tốt cho cơ thể của mình cả. Ta biết uống rượu, nhưng chưa bao giờ ta thấy rượu ngon cả. Ta sợ những cơn đau dạ dày lắm rồi. Nhưng tất cả những thứ đó chưa phải là nguyên nhân chính cho việc Tết này ta hạn chế bia rượu. Bố ta dạo này lại hút thuốc, hay uống rượu, sức khoẻ của ông giảm sút một cách rõ rệt. Ta, mẹ ta và em trai ta đã nhiều lần thuyết phục bố bỏ thuốc, hạn chế rượu nhưng bố ta vẫn chưa dứt những thứ đó ra được. Ta sợ một ngày nào đó rồi ta cũng sẽ uống nhiều rượu, mà khi có 2 cái đầu nóng vì rượu trong cùng một mái nhà thì chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra cả. Hơn nữa, nếu ta cũng uống nhiều rượu thì cũng chẳng hi vọng gì thuyết phục được bố ngừng hút thuốc, giảm rượu bia. Ai đó đã nói rằng: Một thằng con trai không thể không biết uống rượu, ừ thì cứ cho nó là đúng đi, không thể không biết uống, nhưng hạn chế uống thì có thể. Còn gì tuyệt vời hơn cho một sự thay đổi khi nó bắt đầu vào mùa xuân phải không nào? Thế nên ta quyết định sẽ hạn chế việc bia rượu tới mức có thể bắt đầu ngay từ Tết này. Và ta nghĩ ta đã làm đúng...

Cuốn sách “Chuyên gia nếm thử rượu vang – Nghề của tương lai”

Trở lại Việt Nam lần này, Tô Việt giới thiệu cuốn sách “Chuyên gia nếm thử rượu vang – Nghề của tương lai” như một sự dự báo về việc bùng nổ trong thời hội nhập của nghề khá độc đáo và mới mẻ này.

Soạn: AM 815841 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Con đường trở thành “chuyên gia” rượu vang

Sinh năm 1958 tại Hà Nội, năm 1984, Tô Việt thi đậu học bổng về Công pháp quốc tế và theo học tại đại học Nice. Thành phố Nice là cửa ngõ biên giới giữa Pháp và Italia cũng là nơi giao nhau của hai nền văn hóa rượu vang lâu đời nhất châu Âu. Cái duyên, may mắn và sự đam mê đã đưa Tô Việt trở thành một trong những chuyên gia nếm rượu vang hàng đầu thế giới hiện nay.

Những ngày đi học, Việt theo chân các bạn đến những hầm rượu nổi tiếng ở Pháp, những cánh đồng nho, những nơi sản xuất rượu như có một sức hút mãnh liệt với anh. “Nhưng từ đam mê để trở thành một chuyên gia về nếm thử rượu vang là cả một quá trình mày mò, học hỏi và tích luỹ kinh nghiệm cá nhân và nhất là phải được đào tạo cơ bản”, anh Việt nhớ lại. Người thực sự khơi dậy đam mê về rượu vang trong anh chính là ông Frank Thomas, chuyên gia rượu giỏi nhất châu Âu năm 2000. Sau một thời gian làm việc, ông Frank Thomas sớm phát hiện ra những năng khiếu bẩm sinh, khả năng kỳ lạ của Tô Việt nên giới thiệu Việt với ông Gérard Basset, một chuyên gia giỏi nhất châu Âu năm 1996, thứ nhì thế giới năm 1992 và 2004, lúc đó đang là chủ tập đoàn khách sạn rượu vang ở Anh quốc.

Một năm làm việc ở Anh dưới sự dìu dắt của chuyên gia hàng đầu thế giới, Tô Việt đã khám phá ra rất nhiều điều mới lạ trong “Văn hóa rượu vang”. Anh bảo: ”Anh Quốc cũng là vùng đất phì nhiêu cho tất cả trào lưu văn hóa rượu vang trên thế giới. Ở xứ sở này, vốn là một quốc gia đa chủng, mỗi người trong cách thưởng thức rượu vang, uýtki hay voska đều cố gắng tìm về với bản thể của chính mình. Tôi biết thử và thưởng thức rượu vang cũng là tìm đến nhân cách phương Đông. Đó là cái Chân, Thiện, Mỹ”.

Đi đến đâu, dừng chân ở quốc gia, địa phương nào, Tô Việt cũng tìm hiểu rõ nét đặc trưng của từng loại rượu và anh rút ra được những nhận xét, triết lý sâu sắc từ những ly rượu. Trở về VN với tư cách là Giám đốc chương trình văn hóa rượu vang do Chính phủ Pháp tài trợ với sự hợp tác của nhiều trường đại học ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Lạt; thạc sĩ Tô Việt đang đào tạo cho cán bộ cao cấp của ngành Ngoại giao, Thương mại, Ngân hàng, Tài chính, Du lịch, Hàng không, Đường thuỷ, những chuyên gia phục vụ tại các nhà hàng, khách sạn, chủ đại lý bán rượu bia và bất kỳ ai quan tâm đến văn hóa rượu vang. Người dự khóa học đến khi kết thúc sẽ được cấp chứng chỉ của Hiệp hội chuyên gia thử nếm rượu vang quốc tế ASI. Tuy nhiên, Tô Việt bảo: “Điều tôi muốn làm xuất phát từ sâu thẳm trái tim: tôi muốn mang những hiểu biết, kiến thức và sức lực của mình để phục vụ cho quê hương. Ai cũng có nguồn cội để quay về”.

Văn hóa rượu vang và con đường hội nhập

Soạn: AM 815827 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Chuyên gia Tô Việt đang nếm thử rượu vang

Tô Việt cho biết: “Thực ra, văn hóa rượu ở Việt Nam đã có từ lâu đời trong tổng thể văn hóa ẩm thực của dân tộc nhưng về rượu vang vẫn còn ít người biết cảm thụ, thưởng thức. Trong quá trình hội nhập quốc tế và bùng nổ du lịch, dòng khách nước ngoài vào đầu tư, làm ăn và đi du lịch ở Việt Nam ngày càng tăng. Do đó, việc nâng cao kiến thức về văn hóa rượu vang cùng một loạt các ngành kinh tế dịch vụ như du lịch, nhà hàng, khách sạn…và bản thân người phục vụ cho du khách biết thưởng thức rượu vang là rất cần thiết”. Và trong suốt mấy mươi năm tìm hiểu, nghiên cứu về rượu vang, Tô Việt trở về nước với mong muốn dành cả tâm huyết của mình giới thiệu với người dân trong nước nét văn hóa độc đáo của nghề nếm thử rượu vang.

Ngoài việc tham gia các chương trình giảng dạy tại các trường đại học lớn ở VN, anh tham gia viết sách. Quyển sách đầu tay của Tô Việt:”Tìm hiểu văn hóa rượu vang” xuất bản năm 2005 đã nhanh chóng được người am hiểu rượu vang trong nước tìm đọc như một “bửu bối”. Đầu năm 2006, anh tiếp tục cho ra mắt quyển: “Chuyên gia nếm thử rượu vang – Nghề của tương lai” như một lần nữa khẳng định sự cần thiết của nghề này trên con đường hội nhập của Việt Nam. Tiến sĩ Trần Văn – Ban Kinh tế Trung ương cho biết: “Tô Việt đã đến nhiều nơi để giảng dạy những kiến thức về cây nho, công nghệ sản xuất rượu vang truyền thống của châu Âu, phong cách phục vụ rượu tại nhà hàng, khách sạn danh tiếng, quán bar…Trong thời gian qua, anh đã dành nhiều tâm huyết cho việc quảng bá văn hóa rượu vang Pháp ở nước ta, góp phần tăng cường giao lưu văn hóa, văn hóa ẩm thực và kinh tế của Việt Nam với thế giới trong thời đại hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế”.

“Chuyên gia nếm thử rượu vang – Nghề của tương lai”

Soạn: AM 815837 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Bìa tác phẩm "Chuyên gia nếm thử vang - Nghề của tương lai"

Trở lại Việt Nam lần này, Tô Việt giới thiệu cuốn sách “Chuyên gia nếm thử rượu vang – Nghề của tương lai” như một sự dự báo về việc bùng nổ trong thời hội nhập của nghề khá độc đáo và mới mẻ này.

Trong lời đề tựa, quyển sách được giới thiệu một cách hấp dẫn: “Xuất hiện tại Ai Cập vào khoảng 2000 năm TCN, rượu vang đã trở thành thứ đồ uống lâu đời nhất của nhân loại, một sản phẩm văn hóa có sức quyến rũ mê hồn! Người ta ví rượu vang giống như một cô gái đẹp kiêu kỳ, đỏng đảnh nhưng hấp dẫn và cuốn hút vô cùng! Biết bao truyền thuyết, giai thoại hay những tác phẩm thơ ca, hội họa đã nói về thứ chất lỏng huyền bí này… Phải chăng vì thế, gắn với cô gái đẹp khó tính này, nghề nếm thử rượu vang cũng ngày càng đòi hỏi khắt khe hơn sự toàn diện hoàn hảo về phẩm chất, kỹ năng, trình độ kiến thức… ở người làm nghề? Nếu như trong quá khứ, hình ảnh chuyên gia nếm thử rượu vang chỉ đơn giản là một người am hiểu về rượu và biết phục vụ rượu hợp ý khách hàng, thì ngày nay, để được gọi là chuyên gia, cá nhân ấy phải “giỏi” nhiều mặt. Từ việc phải có một khả năng chuyên môn về rượu vững vàng, chuyên gia phải biết làm chủ kỹ năng quản lý và lãnh đạo, biết tham vấn cho nhà kinh doanh các chính sách thương mại hiệu quả, có kiến thức sâu rộng, khả năng ngoại giao tốt, am hiểu tâm lý khách hàng, nhạy cảm và khiêm tốn, thậm chí, phải có khả năng viết lách… Một thứ nghề thật công phu, mang đầy tính nhân văn cao đẹp”.

Cuốn sách “Chuyên gia nếm thử rượu vang - Nghề của tương lai” được biên soạn bởi Tiểu ban Giáo dục, Hiệp hội thử nếm rượu vang quốc tế (ASI), và được Chuyên gia quốc tế rượu vang – Thạc sĩ Tô Việt biên dịch để giới thiệu tới công chúng Việt Nam. Mục đích của cuốn sách không nằm ngoài mong muốn được tôn vinh ánh hào quang của nghề nếm thử rượu vang, góp phần phát triển chương trình Quảng bá văn hóa rượu vang tại Việt Nam.

Sách được chia làm 3 phần lớn với bố cục và nội dung khá chặt chẽ: Phần 1: Chuyên gia thử nếm rượu vang (7 đề mục) đưa ra cái nhìn tổng thể về nghề thử nếm rượu vang từ xưa tới nay, quá trình hình thành và phát triển của nó trên thế giới và khắc hoạ hình ảnh một chuyên gia thử nếm rượu chuẩn mực nhất, với những phẩm chất đạo đức, phẩm chất chuyên môn, phong cách hành xử bắt buộc phải có. Phần này sẽ lý giải vì sao cần thiết phải thuê các chuyên gia thử nếm rượu vang trong ngành phục vụ đồ ăn uống.

Phần 2: Công tác quản lý và các phương tiện làm việc của chuyên gia (26 đề mục) giới thiệu sâu sắc, toàn diện, cụ thể về khía cạnh công việc phải làm của một chuyên gia thử nếm rượu vang. Từ việc quảng cáo, cân đối ngân sách, tổ chức và quản lý hầm rượu cho đến việc lên danh sách rượu, danh sách các món ăn, những nguyên tắc phối hợp đồ ăn và rượu vang, và đặc biệt là quy trình- kỹ năng thử nếm, cảm thụ, đánh giá, phân tích rượu vang. Các phương tiện làm việc tối thiểu như ly, tách, nút rượu, mở rượu… cũng được giới thiệu chuyên sâu. Đây là những chỉ dẫn mà người làm nghề nhất định phải am hiểu.

Phần 3: Phục vụ trong nhà hàng (16 đề mục). Giới thiệu môi trường chính cho chuyên gia thử nếm rượu vang hoạt động, thể hiện tài nghệ chính là nhà hàng. Vì vậy, những chỉ dẫn về cách thức phục vụ rượu vang như trình tự phục vụ, nhiệt độ phục vụ, thời điểm phục vụ, cách nắm bắt và “chiều” lòng khách hàng,… sẽ giúp bạn tạo dựng một hình ảnh tuyệt vời nhất trong mắt thực khách. Ngoài ra, phần này còn giới thiệu danh sách các chuyên gia quốc tế giỏi nhất và các cuộc thi thử nếm trên thế giới.

Sách được trình bày đẹp, nhiều hình ảnh minh họa sinh động, bìa cán mờ, in 4 màu, giấy Couches, khổ 14,5cmx20,5cm, ra mắt tháng 06.2006, phát hành trực tuyến qua trang web www.sachviet.com.vn và tại các hiệu sách trên toàn quốc.

Ông Giuseppe Vaccarini, Chủ tịch Hội thử nếm rượu quốc tế 1996-2004 cho biết: “Cuốn sách này được chia ra nhiều chương nhỏ cho các chuyên gia rượu và nhà hàng nhằm đề cao tính chuẩn xác mà chuyên gia rượu cần có trong ứng xử trong bất kể tình huống nào, cũng như chỉ dẫn cụ thể các công việc khác nhau mà chuyên gia cần phải thực thi một cách có hiệu quả và quyết đoán, nhưng không vì thế mà quên tầm quan trọng của việc chuẩn bị cũng như kinh nghiệm thu hái được trong cả cuộc đời làm chuyên gia... Cuốn cẩm nang này còn là cầu nối tất cả các chuyên gia thử nếm của các quốc gia khác nhau, từ những người mới bước chân vào nghề tới những người đã tích lũy được ít nhiều kinh nghiệm và tri thức, bởi sự đào luyện liên tục có một vai trò quan trọng, là chất xúc tác và động lực của Hội thử nếm rượu trên phạm vi quốc tế… Cuốn sách này chỉ có tham vọng là cuốn cẩm nang không thể thiếu cho các chuyên gia thử nếm thời hiện đại, luôn luôn phải năng động trong môi trường nhà hàng khách sạn hiện nay”.

H.D

Rượu lậu, giả hoành hành: Mua gì? Ở đâu?

(VietNamNet) - Việc hàng chục vụ sản xuất rượu giả cùng số lượng lớn rượu nhập lậu liên tiếp được các lực lượng chức năng cả nước phát hiện trong 3 tháng cuối năm, đặc biệt là những ngày vừa qua đã dấy lên nhiều mối nghi ngại, lo lắng đối với không chỉ người tiêu dùng mà cả người bán hàng. Nhiều hộ kinh doanh dự đoán, thị trường rượu biếu Tết này sẽ sụt giảm đáng kể…

Khách hàng hoang mang, người bán lo ngại


Hầu hết chủ các cửa hàng kinh doanh rượu lớn, nhỏ mà VietNamNet có dịp trao đổi, đều tỏ ra lo ngại và cho rằng, thị trường năm nay sẽ ảm đạm hơn, chủ yếu do tâm lý hoang mang của khách hàng.

Tại các cửa hàng trên phố Hàng Buồm, Hàng Da, Tây Sơn, Thái Hà… những ngày trước Tết 1 tháng, không khí mua sắm có phần tẻ nhạt, khác với mọi năm. Thanh Hương, nhân viên cửa hàng Kingbas, phố Thái Hà cho hay, phải 2 tuần nữa mới vào đợt cao điểm tiêu thụ nhưng tầm này các năm trước, việc buôn bán đã rất sôi động, các tỉnh đã về lấy ầm ầm, còn năm nay, chưa có không khí gì, hàng hoá bán ra chậm rõ rệt.

Theo những người bán hàng, câu đầu tiên mà khách hỏi khi chọn mua rượu làm thế nào phân biệt được rượu rởm, rượu lậu. Đối với những khách quen, sành rượu thì việc mua bán khá nhanh chóng, còn những khách ít kinh nghiệm, chủ yếu đi biếu thì rất đắn đo, cân nhắc.

Cũng chính vì vậy mà anh Hồng, chủ shop kinh doanh trên đường Nguyễn Trãi cho rằng: "lượng khách mua có thể giảm hơn 20%, chủ yếu là những người không am hiểu nhiều về chọn rượu. Thay vào đó, họ sẽ chọn nhiều hình thức tặng, biếu khác như các hộp bánh, kẹo sôcôla lịch sự hay đi phong bì...!"

Không chỉ vậy, anh Hồng cũng cho rằng, phong trào "biếu" rượu vài năm gần đây không còn "thịnh" như trước. Điều này thể hiện ở lượng bán ra tại cửa hàng anh 2 năm gần đây ngày càng sụt giảm. Theo lý giải của anh: "Nhu cầu tiêu thụ rượu không giảm, thậm chí tăng mạnh tại các nhà hàng ăn uống, quán bar, vũ trường, nhưng tặng rượu hiện chỉ phổ biến đối với những mối quan hệ thân thiết trong gia đình, bạn bè. Còn cấp dưới đối với cấp trên thì đi phong bì là chính!"

Không chỉ anh Hồng mà chủ các cửa hàng số 93 Hàng Buồm, 184 Tây Sơn đều cho biết, việc kinh doanh rượu năm nay sẽ không thể xô bồ như các năm trước được. Họ sẽ phải tính toán, nghe ngóng thị trường, trước mắt sẽ không "ôm" nhiều hàng, nhập vào với số lượng có hạn…

Làm thế nào mua được rượu “xịn”?

Rượu bị thu giữ. Ảnh nguồn: VNN

Theo những người kinh doanh, thị trường rượu lậu, rượu giả dịp giáp Tết khá rối ren nhưng đối với những người "sành" thì các cửa hàng quen, lâu năm, có uy tín vẫn là lựa chọn số 1. Bởi lẽ, không phải người bán nào cũng đủ có kinh nghiệm để nhận biết rượu giả, rượu thật, nhất là tại những cửa hàng mới mở, thời vụ hay tại nhiều cửa hàng kinh doanh ăn uống...

Chị Thiêm, một chủ cửa hàng trên phố Hàng Buồm cho hay, cả phố có khoảng vài chục nhà kinh doanh rượu, nhưng chỉ có gần chục người bán là biết xem hàng. Đa số là những người có thâm niên buôn rượu ít nhất từ 20 năm trở lên."

Để tránh buôn nhầm hàng giả, chủ các shop rượu trên chợ Hàng Da cũng cho biết, họ tập trung nhập hàng công ty, lấy hàng đều có hoá đơn, chứng từ, thậm chí phải có người bảo lãnh, hạn chế tối đa hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, giá rẻ…

Một số người có kinh nghiệm cho rằng, các cửa hàng rượu dù xem xét kỹ lưỡng nguồn hàng nhưng vẫn có thể bị "dính" một vài chai. Vấn đề là khi có chuyện xảy ra thì chủ và khách có thể giải quyết ổn thoả được với nhau. Tại các cửa hàng có uy tín, trách nhiệm của người bán đối với người mua rất quan trọng. Người bán phải nhận biết, phân biệt được hàng của mình, bán cho khách thường phải ký, đánh dấu trên chai rượu để khi có vấn đề gì xảy ra, khách có thể đổi lại được

Bên cạnh đó, để đảm bảo hàng "xịn", nhiều cửa hàng khuyến cáo, khách mua biếu nên chọn những loại nằm ngoài các "tên tuổi" quen thuộc như: Chivas Recal, Johnnie Walker, Hennessy… bởi hàng giả thường "đánh" vào những loại được nhiều người ưa thích. Thay vào đó, họ hướng khách đến những loại nhập ngoại có tên tuổi khác mà giá tiền tương đương.

Cũng với cách làm như vậy, cửa hàng 184 Tây Sơn cho biết, họ sẽ tư vấn cho khách chuyển mua Vang nhiều hơn bởi loại này đi biếu vừa lịch sự, vừa có nhiều mức giá đa dạng (từ 95.000, 200.000, 300.000 đến 7, 8 triệu/chai). Theo đó các loại như Vang Úc, Pháp, Chilê… sẽ có khả năng bán được trong dịp tới.

Rượu nội, ngoại vào cuộc đua tăng giá

Dù cuộc chiến chống hàng lậu, hàng giả đang hâm nóng thị trường rượu Tết nhưng giá rượu đang tăng cao cũng là vấn đề khiến nhiều người quan tâm.

Một số loại rượu trong nước như: Anh đào, Vodka Hà Nội, Vang Thăng Long… đã tăng từ vài nghìn đến 15.000 đồng/chai so với mức giá cách đây 1 tháng. Mức tăng này vẫn chưa bằng các loại rượu nhập ngoại. Theo chủ shop rượu số 71 Hàng Buồm, trung bình, rượu nhập ngoại đã tăng giá từ 30.000–50.000 đồng/chai.

Theo lý giải của người bán, giá rượu lên do nhiều nguyên nhân, trong đó có tình trạng khan hàng và giá cả thị trường dịp Tết, giá USD đều tăng.

Nhân viên kiểm hàng tại siêu thị Big C cho biết, do giá một số loại rượu trong nước bán tại siêu thị tăng chậm hơn so với các cửa hàng bên ngoài nên những ngày này, khách đổ xô vào mua tại siêu thị. Nhiều người muốn mua cả thùng nhưng siêu thị chỉ dám bán chai vì không có hàng.

  • Nguyễn Nga

Rượu vang và sức khoẻ

Thỉnh thoảng tôi vẫn có cái thú vui được ngồi uống rượu với anh em văn nghệ sĩ và cựu quân nhân. Các vị này uống rất hào, đúng là “tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu”. Gặp được bạn tâm giao cùng uống, cổ nhân coi ngàn chén còn là ít thì lũ chúng ta có xá gì dăm bảy chai whisky hay cognac mà không cạn hết cho đời lên men!

Tuy nhiên cái lối uống đó rất không nên. Họ khuyến thúc nhau, thi đua nhau uống thật nhiều, thật mau bằng những tiếng dzô, dzô đầy hào hứng. Dzô tức là phải nốc một hơi cạn chén. Uống càng nhiều càng chứng tỏ mình là tay tửu lượng cao, và càng được bạn bè nhìn bằng con mắt thán phục. Uống như thế thì có vẻ giống tác phong của những tay hào khách giang hồ cỡ Kiều Phong hay Lệnh Hồ Xung thật đấy, nhưng rất có hại cho sức khỏe. Cháy gan, lủng bao tử là cái chắc.

Chúng ta biết rằng gan là bộ phận có chức năng gạn lọc và loại trừ những độc tố trong đồ ăn thức uống trước khi chúng thấm nhập vào dòng máu. Nhưng gan cần phải có đủ thì giờ mới có thể làm được công việc đó một cách hữu hiệu. Nếu ta uống rượu từ từ, vừa uống vừa nhấm nháp hương thơm vị đượm của ly rượu một cách khoan thai, nhất là có kèm theo một vài món ăn, thì chất alcohol trong rượu vừa ngấm vào cơ thể là đã được buồng gan đốt đi phần lớn. Lượng alcohol còn lại chỉ vừa đủ để làm ta say một cách nhẹ nhàng thoải mái. Tửu hứng vừa đủ như vậy sẽ cho ta cảm giác lâng lâng thích thú, sảng khoái yêu đời, câu chuyện tán dóc với bạn bè cũng trở thành ý nhị đậm đà hơn.

Trái lại, nếu ta dzô dzô một lúc dăm bảy ly rượu mạnh đại khái như cognac, whisky hay bourbon, loại nào cũng có nồng độ alcohol từ 80 đến 90 độ proof, tức khoảng 40% hoặc 45% cồn nguyên chất, ta sẽ cảm thấy trời đất quay cuồng, mặt mày choáng váng, nôn nao khó chịu. Lý do là vì gan đốt không kịp nên một khối lượng rượu quá lớn thâm nhập được vào dòng của máu ta rồi tác động lên não bộ, khiến cho ta không còn tỉnh táo nữa. Khi lượng ruợu trong máu lên tới mức 0.1 thì những khả năng trí tuệ như nhận thức, suy luận, phán đoán, phân tích v.v... đều bị lệch lạc hoặc suy giảm. Nếu ta lái xe vào lúc đó, ta sẽ rất dễ gây tai nạn. Chính vì vậy mà luật lệ ở hầu khắp các tiểu bang trên nước Mỹ đều quy định rằng nếu một người lái xe bị cảnh sát chận lại và khám phá thấy là lượng rượu trong máu của người đó lên tới mức 0.08 thì không cần biết khả năng trí tuệ có suy giảm hay không, người đó vẫn bị kết án về tội say rượu lái xe và có thể bị rút bằng lái.

Khổ một nỗi là trong những bữa nhậu của đám anh em “hào khách giang hồ”, chúng ta thường có khuynh hướng uống cho đã, rồi lại còn thách đố nhau cạn hết ly này đến chén khác để xem tửu lượng ai cao hơn. Vào những dịp được anh em rủ rê uống thi đua như vậy, tôi thường tuyên bố thua cuộc ngay từ lúc mới bắt đầu. Tôi vẫn phải mượn mấy câu thơ của cụ Nguyễn Khuyến để tự mô tả cái tửu lượng yếu kém của mình:

Rượu tiếng rằng hay, hay chẳng mấy
Ðộ dăm ba chén đã say nhè !

Thực ra, theo quan niệm của tôi thì chúng ta uống rượu phần chính là để thưởng thức hương vị thơm ngon của rượu chứ không bao giờ nên uống cho say nhè. Uống mà đến nỗi không còn phân biệt được rượu ngon hay rượu dở, nốc ly ruợu vào chỉ cảm thấy đắng ngắt trong miệng, sáng hôm sau thức dậy vẫn còn bị đầu nhức mắt hoa, ngây ngất khó chịu cả ngày thì còn gì là thú vị nữa!

May mắn thay, cái khuynh hướng chung ở nước Mỹ này cũng như trong giới “hào khách giang hồ” của chúng ta trong vòng vài chục năm qua là giảm bớt mức tiêu thụ rượu mạnh và chuyển sang thưởng thức rượu vang. Mới đây, nhân một chuyến đi thăm các nhà làm rượu nổi tiếng tại Napa Valley rồi tình cờ ghé lại tiệm Quảng Ðà ở San Jose vào một buổi tối, tôi đã rất vui khi được gặp lại mấy người bạn cũ ở đó sau nhiều năm xa cách. Ðiều khiến tôi vừa ngạc nhiên vừa thích thú là thấy các vị này đang quây quần nhậu nhẹt bên mấy chai vang đỏ chứ không phải Cognac hay Whisky như thông lệ. Họ kéo ngay tôi vào bàn tiệc rót rượu mời uống và ca ngợi rượu vang California hồi này ngon không kém gì rượu Pháp.

Ðây là một sự kiện rất đáng mừng bởi vì rượu vang là một thứ đồ uống tuyệt hảo, thơm ngon, đậm đà mà lại nhẹ nhàng bổ ích cho cơ thể. Lượng alcohol của nó chỉ vào khoảng từ 11% cho đến 14%, so với rượu mạnh là từ 40% cho đến 45%. Do đó, nếu ta có vui bạn vui bè mà quá chén nhậu hết nửa chai rượu vang thì cũng không đến nỗi say lắm, nhưng nốc vào nửa chai ruợu mạnh thì tai hại là cái chắc.

Rượu vang - nếu uống một cách điều độ, vừa phải, tức là không quá 3 ly cỡ 4 ounces cho đàn ông và 2 ly cho đàn bà mỗi ngày, lại còn có lợi cho sức khỏe của ta nữa. Ký giả truyền hình nổi tiếng Morley Safer, người phụ trách chương trình 60 Minutes được rất nhiều khán giả theo dõi trên đài CBS, nhân một chuyến đi nghỉ hè ở miền núi Pyrenees bên Pháp vào năm 1991, đã quan sát thấy một hiện tượng nghịch lý mà ông gọi là “The French Paradox”. Ông nhận thấy là dân chúng địa phương - phần lớn sống bằng nghề chăn nuôi gà vịt và sản xuất foie gras, tức là gan béo lấy từ những con vịt hoặc con ngỗng được nuôi cho thật mập nên thức ăn hằng ngày của họ cũng chứa rất nhiều chất béo, chất cholesterol. Những thứ này một khi được đưa vào cơ thể thì dễ đọng lại trong các mạch máu, làm tắc nghẽn sự tuần hoàn của máu và gây ra rất nhiều chứng bệnh về tim mạch, đôi khi đưa tới những cơn đột quỵ.

Mở rộng tầm quan sát ra xa hơn nữa, Morley Safer thấy rằng dân chúng Pháp nói chung tiêu thụ rất nhiều bơ, sữa, fromage, paté, saucisse, thịt mỡ, v.v.. Khối lượng chất béo xấu, thuộc loại saturated fat mà họ ăn vào bụng nhiều gấp 3 lần khối lượng tiêu thụ ở Mỹ. Ấy thế mà tỷ lệ người mắc bệnh tim mạch và chết vì đột quỵ ở Pháp lại chỉ bằng 1/3 so với dân Mỹ. Tại sao lại có tình trạng nghịch lý như vậy?

Vốn là một ký giả chuyên điều tra những chuyện ly kỳ bí ẩn, Morley Safer bèn mở cuộc nghiên cứu để tìm hiểu xem nguyên nhân nào đã giúp cho dân Pháp sống khỏe mạnh và sống lâu là đằng khác bất chấp những đồ ăn độc hại đó. Sau khi tham khảo ý kiến của các nhà dinh dưỡng, các bác sĩ chuyên về tim mạch, và thâu thập các dữ kiện về lối sống cũng như chế độ ăn uống của dân chúng ở cả 2 nước, ký giả Safer báo cáo trong một chương trình 60 Minutes vào tháng 11 năm 1991 rằng ngoài một vài nguyên nhân phụ như dân Pháp vận động nhiều hơn, ít ngồi một chỗ coi TV hơn, thì nguyên nhân chính là vì dân Pháp uống rượu vang một cách thường xuyên và đều đặn, nhất là rượu vang đỏ.

Kể từ hồi đó, các chuyên gia nghiên cứu của những cơ sở có uy tín như trường đại học Harvard, trường đại học Johns Hopkins, v.v... tiếp tục đưa ra thêm nhiều kết quả mới, chứng tỏ sự liên hệ giữa việc uống rượu vang vừa phải và những lợi ích cho sức khỏe. Chẳng hạn, họ tìm thấy rằng những người uống ruợu vang đều đặn từ 1 đến 6 ly mỗi tuần lễ được giảm bớt nguy cơ bị lên cơn đau tim đến 25%, và giảm bớt nguy cơ bị đột quỵ đến 34% so với những người không uống ruợu. Họ cũng thấy rằng các hợp chất trong rượu vang như phenolic compounds, flavonoids, tannin... là những chất anti-oxidants có khả năng chống lão hóa. Các hóa chất khác trong rượu vang có thể đưa tới việc chữa trị bệnh ung thư tuyến tiền liệt, làm chậm bớt sự chai cứng động mạch và giúp ngăn chặn bệnh tiểu đường.

Trong cuộc Hội Nghị Quốc Tế lần thứ nhì về mối liên hệ giữa ruợu vang và sức khỏe của hệ thống tim mạch, với sự tham dự của gần 150 bác sĩ và chuyên gia nghiên cứu từ nhiều nước khác nhau trên thế giới, được diễn ra trong 4 ngày tại Nam California hồi tháng 2 năm 2004, một thông điệp chung đã được đưa ra, đó là: “Các y sĩ nên bắt đầu phổ biến cho công chúng biết rằng việc uống rượu vang vừa phải và đều đặn có thể đem lại những lợi ích lớn lao cho sức khỏe.” Họ nêu ra một loạt những công trình thử nghiệm trong vòng mười mấy năm qua, mà kết quả đã chứng tỏ là uống rượu vang một cách điều độ có thể giúp ngăn chặn được những cơn đột quỵ, giảm bớt nguy cơ bị một số bệnh ung thư và nhiều chứng bệnh khác, đặc biệt là bệnh về tim mạch.

Ông Tedd Goldfinger, giám đốc Sáng Hội Vùng Sa Mạc Bảo Vệ Sức Khỏe Của Trái Tim (The Desert Heart Foundation) ở Tucson, Arizona nói: “Hiện có một sự bột phát các cuộc khảo cứu mới, cho thấy những ích lợi được chứng minh rõ rệt của rượu vang. Các bác sĩ cần phải thông báo những điều này cho bệnh nhân của họ được biết.” Vào cuối cuộc hội nghị, bác sĩ Donald Thomas, một chuyên gia về bệnh suyễn và đường hô hấp ở Maryland, cho biết: “Với những kết quả vừa được công bố, tôi sẽ cảm thấy vững tâm thoải mái hơn khi khuyến nghị các bệnh nhân của tôi nên uống rượu vang một cách vừa phải và đều đặn.”

Nếu liệt kê ra đây tất cả những cuộc nghiên cứu của các học viện có uy tín, chứng tỏ sự lợi ích cho sức khỏe do rượu vang đem lại thì bài viết này sẽ dài quá cỡ. Ðể kết luận, ta chỉ cần nhớ rằng nếu ta thay đổi lối uống từ kiểu thi đua dzô dzô những ly rượu mạnh sang việc thưởng thức một vài ly rượu vang cùng với món ăn thích hợp trong những bữa tiệc vui với bằng hữu, ta sẽ gia tăng được sự thích thú và đồng thời còn có triển vọng ngăn ngừa bệnh tật và thăng tiến sức khỏe cho mình.

Lê Văn, Certified Specialist of Wine

Johnnie Walker – Thương hiệu rượu hàng đầu trên toàn thế giới

Không có một công ty chưng cất và pha chế rượu Scotch Whisky nào trên thế giới có được sự phát triển liên tục và thuận lợi như Johnnie Walker. Từ một cửa hiệu nhỏ ở Kilmarnock nằm ở phía tây Xcốt-len, công ty đã phát triển việc kinh doanh ra toàn cầu, trở thành công ty kinh doanh Scotch Whisky lớn nhất thế giới và vẫn giữ đuợc vị thế đó cho đến tận ngày hôm nay.

THỊ TRƯỜNG

Johnnie Walker là công ty kinh doanh rượu Scotch Whisky lớn nhất hành tinh, có mặt trên 200 thị trường thế giới.

Tại Úc, Johnnie Walker nhãn đỏ là thương hiệu rượu mạnh đứng hàng thứ 3 và là thương hiệu rượu whisky Scốt-len hàng đầu trên thị trường.

THÀNH TÍCH ĐẠT ĐƯỢC

Johnnie Walker nhãn đỏ Red Label

Năm 1933, khi việc kinh doanh rượu nhãn đỏ Red Label của Johnnie Walker đang trên đà phát triển thì công ty nhận được giấy phép cung cấp rượu Scotch Whisky cho vua George V và kể từ đó công ty trở thành nhà cung cấp rượu Scotch Whisky chính thức cho gia đình Hoàng Gia Anh Quốc.

Tại cuộc thi rượu mạnh và rượu vang quốc tế, Johnnie Walker đã đoạt được một số huy chương vàng dành cho hạng mục rượu Scotch Whisky. Thương hiệu Johnnie Walker cũng nhận được huy chương vàng và huy chuơng đặc biệt tại cuộc thi Selection Awards thế giới.

Năm 1996, IWSC tặng cho Johnnie Walker danh hiệu “Nhà chưng cất rượu hàng đầu thế giới”.

Johnnie Walker nhãn đen Black Label

Tại cuộc thi Selection Awards thế giới năm 1994, Black Label giành được huy chương đặc biệt và cùng năm đó, nhãn hiệu này cũng được IWSC tặng huy chuơng vàng đồng thời giành luôn danh hiệu nhà chưng cất rượu ngon nhất dành cho rượu Blended Whisky (whisky đã được pha chế). Đến năm 1996, Black Label lại đoạt được huy chương vàng dành cho rượu cao cấp Best Deluxe Scotch Whisky.

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH

Từ một cửa hàng tạp hoá nhỏ ở phố người Xcốt-len thuộc Kilmarnock, chỉ trong vòng khoảng hơn 175 năm, công ty đã phát triển việc kinh doanh của mình ra toàn thế giới. Việc thành lập và phát triển công ty được đặt ra khi John Walker - cậu chủ trẻ tuổi của cửa hiệu - bắt đầu thử nghiệm pha trộn các loại rượu Whisky có nguồn gốc từ ngô với mạch nha trong phòng tối.

Không có một công ty chưng cất và pha chế rượu Scotch Whisky nào trên thế giới có được sự phát triển liên tục và thuận lợi như Johnnie Walker. Từ một cửa hiệu nhỏ ở Kilmarnock nằm ở phía tây Xcốt-len, công ty đã phát triển việc kinh doanh ra toàn cầu, trở thành công ty kinh doanh Scotch Whisky lớn nhất thế giới và công ty vẫn giữ đuợc vị thế đó cho đến tận ngày hôm nay. Johnnie Walker Red Label là thuơng hiệu đầu tiên được phát triển ra khắp toàn cầu, có mặt trên 120 thị trường thế giới trong chiến tranh thế giới lần 1.

George and Alexander Walker đã nhận ra cơ hội phát triển thương hiệu trong thị trường rượu scotch whisky thế giới. George Paterson Walker, nguời chịu trách nhiệm tiếp thị và anh trai của ông Alexander, nhà thiên tài trong việc pha chế rượu, đã nhận ra rằng những loại rượu đã được pha chế trước đó điều quá nặng và khó uống, khó có thể ưa chuộng rộng rãi, cho nên thị hiếu thị truờng cần có một loại rượu Whisky nhẹ hơn dành cho những nguời vừa mới tập làm quen Whisky.

Và kết quả là Johnnie Walker Red Label ra đời năm 1909. Từ loại rượu Whisky Old Highland được yêu thích trong thời cha của ông (được tung ra vào năm 1820), Alexander Walker đã phát triển thành những loại rượu Whisky có nồng độ và hương vị rất đa dạng, phong phú. Đây chính là rượu Whisky dành cho thế kỷ mới, được tiếp thị rộng rãi trên toàn thế giới. Lần đầu tiên một loại rượu mang thương hiệu “Johnnie Walker” ra đời. Họ đặt tên cho loại rượu pha mới là Johnnie Walker Red Label và nó nhanh chóng trở thành loại whisky được yêu chuộng trên khắp thế giới.

Những loại rượu whisky của Johnnie Walker với những công thức pha chế đặc biệt đã được đón nhận và đã giành được rất nhiều huy chương, giải thưởng tại những cuộc thi quốc tế trong hơn 120 năm qua. Công ty cũng tự hào là nhà cung cấp rượu whisky cho hoàng gia Anh từ năm 1933 đến giờ. Hình ảnh biểu tượng của Johnnie Walker Striding Man (người đàn ông đang bước về phía trước với những bước đi dài) được hoạ sĩ biếm Tom Browne vẽ vào năm 1909 đã trở thành một hình ảnh tuyệt vời được toàn thế giới công nhận và là hiện thân của loại rượu mạnh dành cho cả thế giới.

Khi những nhãn hiệu mới ra đời năm 1909, anh em nhà Walker quyết định tạo ra một bộ mặt mới cho thương hiệu Walker.

Năm 1920, Walker trở thành một trong 3 công ty whisky hàng đầu trên thế giới đặc biệt là Red Label. Và cùng với Red Label, Black Label cũng được xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.

Nhãn hiệu Johnnie Walker Black Label đã được ra đời cách đây hơn 125 năm. Để trở thành một công ty nổi tiếng và luôn giữ được vị thế của mình qua thời gian, người sáng lập chắc hẳn phải là một người rất kiên định. Johnnie Walker Black Label được thành lập năm 1920 bởi Alexander Walker I. Triết lý của ông nằm trong câu nói “to make our whisky of such quality that nothing in the market shall come before it.” (làm ra rượu whisky chất lượng mà không có loại rượu nào khác có thể sánh kịp).

Úc là một trong những thị trường đầu tiên và lớn nhất ở nước ngoài của Johnnie Walker. Chính Alexander Walker là người đầu tiên mang Scotch Whisky đến Úc bằng tàu thuỷ. Năm 1867, ông đăng ký độc quyền thương hiệu Old Highland Whisky và nó nhanh chóng trở quen thuộc ở cả những nơi xa xôi nhất của nước Anh. Thươnghiệu này có ý nghĩa đặc biệt khi nhắc nhở cho những kiều bào Scot ở Úc nhớ về quê hương xứ sở của mình.

Để giữ vững mối quan hệ lâu dài với thị trường Úc, Johnnie Walker luôn tìm cách đáp ứng nhu cầu của khách hàng vì vậy cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi người dân Úc bảo rằng rượu Whisky ưa thích của họ chính là Johnnie Walker. Đó là lý do tại sao Johnnie Walker Scotch Whisky ngày nay vừa có hương vị truyền thống của Red Label vừa có hương vị cola tuyệt hảo và đuợc đóng trong lon hoặc chai.

SẢN PHẨM

Johnnie Walker Red Label được cả thế giới công nhận là nhãn hiệu scotch whisky cổ điển có giá trị cao với chai hình vuông. Hình ảnh Striding Man cũng được công nhận là biểu tuợng về chất lượng của Scotch Whisky trên toàn thế giới.

Trên thế giới, thương hiệu Johnnie Walker được giới chuyên môn thừa nhận là loại rượu có chất lượng tốt nhất.

Khi người tiêu dùng ở châu Âu, Mỹ và Nhật dùng thử những loại whisky đã được bóc nhãn, rượu của Johnnie Walker đuợc người tiêu dùng yêu chuộng hơn hẳn những đối thủ cạnh tranh bởi hương vị đặc trưng của nó. Whisky mạch nha Cardhu là sản phẩm chủ lực trong dòng whisky pha Red Label mang hương mạch nha, ngọt ngào, dễ uống. Anh em nhà Walker coi đây là sản phẩn quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và họ đã mua nhà máy chưng cất loại rượu này năm1893.

Johnnie Walker Black Label là nhãn hiệu Whisky cao cấp rất được yêu thích. Những loại whisky mang nhãn Johnnie Walker Black Label đều có thể được bảo đảm có tuổi thọ ít nhất 12 năm thậm chí lâu hơn. Điều đó có nghĩa là để tạo ra được loại rượu tuyệt hảo này công ty đã phải mất gần 2 thập kỷ, một kế hoạch chu toàn.

Pha chế không phải là ngành khoa học đòi hỏi tính chính xác mà à một nghệ thuật. Nó đòi hỏi người pha chế phải có một trí nhớ tuyệt vời về hương vị của các loại whisky mà anh ta định sử dụng vì thế tài sản lớn nhất của người pha chế chính là cái mũi. Mỗi loại whisky phải được ngửi ít nhất 6 lần, bắt đầu từ trước khi nó được cho vào thùng chưng cất đến lúc kết thúc khi sản phẩm pha chế được đóng chai.

NHỮNG PHÁT TRIỂN GẦN ĐÂY

Hai hương vị được yêu thích nhất trên thế giới vừa được pha trộn lại với nhau để tạo ra một loại thức uống có hương vị tươi mát và tăng cường sức khỏe. Đó là Johnnie Walker Red Label & Cola. Nồng độ đặc biệt và hương vị tuyệt vời được bổ sung bởi loại cola khô thượng hạng và kết quả đã tạo ra được một loại whisky thơm hơn ngon hơn tất cả những sản phẩm whisky đã được pha chế trước kia.

KHUYẾN THỊ

Johnnie Walker Black Label và môn thể thao Golf cùng bắt tay hợp tác với nhau và địa hình núi không chỉ làm cho Highlands trở thành nơi lý tưởng để tạo nên những sân golf mà nơi đây còn có những trận mưa rào cung cấp cho Scotch Whisky nguồn nước tinh khiết. Mối quan hệ dần được hình thành giữa golf và Scotch. Alexander Walker và con trai ông, ngài Alexander đều là những người yêu thích golf. Họ chơi ở câu lạc bộ golf hoàng gia Troon nằm cách nhà chưa đầy 50 mét, nơi Alexander Walker tiếp đón những tay golf cừ khôi nhất. Chính sự nhiệt tình này đã dẫn đến mối quan hệ giữa Black Label với golf và ngày nay, Black Label trở thành nhà tài trợ cho môn thể thao này trên khắp thế giới cả giải nghiệp dư lẫn chuyên nghiệp.

Trong PGA European Tour và Johnnie Walker Classic được tổ chức ở Châu Á, những vận động viên luôn luôn nỗ lực để đạt được thành tích mới, giành được nhữg giải thuởng như Johnnie Waker Tour Course Record Award, Johnnie Walker Player hàng tháng và giải đấu của năm.

Người ta kể rằng trong những ngày lạnh đầy gió, Alexander Walker rất thông cảm với những người chơi golf và khuyến khích họ hoàn thành 18 lỗ golf bằng 1 ly whisky Scotch ấm áp ở cuối buổi tập. Ngày nay, truyền thống này được duy trì ở nơi mà những tay golf gọi nôm na là “ lỗ thứ 19” - quầy rượu của câu lạc bộ, nơi dành cho những người bạn cùng thưởng thức Johnnie Walker Black Label.

GIÁ TRỊ THƯƠNG HIỆU

Johnnie Walker Red Label là loại whisky bán chạy nhất thị trường Úc và là thương hiệu rượu mạnh đứng vị trí thứ 3 trên thế giới. Nhãn hiệu và biểu tượng Striding Man được công nhận là những biểu tượng nổi tiếng trên toàn cầu và được đăng ký sở hữu trên thị trường trước cả McDonald’s, Nike và Coca-Cola.

Những dòng sản phẩm whisky của gia đình Johnnie Walker cùng nhau chia sẻ giá trị của sự phát triển, tiếp tục đứng vững và ngày càng lớn mạnh. Những giá trị đó được mang đến bởi những điều cốt lõi như kiểu dáng sản phẩm, thương hiệu Johnnie Walker, và biểu tượng Striding Man. Chính những điều đó cũng góp phần không nhỏ trong việc giúp thương hiệu Johnnie Walker giữ vững được vị trí hàng đầu trên toàn thế giới.

NHỮNG ĐIỀU CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT VỀ THƯƠNG HIỆU JOHNNIE WALKER

· Johnnie Walker bán được 11 triệu chai whisky mỗi năm đủ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trên toàn thế giới.

· Biểu tượng Striding Man - một trong những bức tranh quảng cáo được cả thế giới công nhận được ra đời trong hoàn cảnh rất đặc biệt: Johnnie Walker đã mời một hoạ sĩ biếm họa dùng bữa trưa, uống rượu, sau đó yêu cầu ông ta vẽ cho một bức tranh biểu tượng cho thương hiệu ở mặt sau của tờ thực đơn.

· Winston Churchill, một nhân vật rất am hiểu về Scotch Whisky, một họa sĩ tài hoa, đã hoàn thành bức tranh sơn dầu ‘Bottlescape’. Bức tranh có nguồn cảm hứng từ rượu Scotch Whisky Black Label.

Nguồn superbrand (được sưu tầm bởi LANTABRAND)

7.000 tỷ đồng uống bia Tết

Các nhà kinh doanh bia dự đoán, mùa cuối năm (Noel, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán), thị trường Việt Nam tiêu thụ khoảng 7.000 tỷ đồng cho các loại bia từ cao cấp đến bình dân, chiếm 50-65% doanh thu bán bia cả năm của các công ty.


Còn 3 tháng nữa mới đến Tết, nhưng từ giữa tháng 11, giá bia lon Sài Gòn đã nhích lên 2.000-3.000 đồng/thùng tùy điểm bán. Nhà sản xuất khẳng định giá bán sỉ không tăng, còn đại lý bán lẻ thông báo giá bia dịp Tết có thể lên trên 150.000-160.000 đồng/thùng so với giá bán lẻ gốc là 140.000 đồng.

Theo Hiệp hội các nhà sản xuất rượu - bia - nước giải khát Việt Nam, tổng sản lượng bia của các nhà máy, cơ sở sản xuất cả nước khoảng 1.290-1.300 triệu lít/năm với tổng doanh thu ước khoảng 11.700 tỷ đồng, trong đó hơn 30% là các loại "bia cỏ" - bia do các nhà máy, cơ sở địa phương sản xuất và chưa có thương hiệu nổi tiếng như bia làm ở các tỉnh… Loại sản phẩm này nhờ giá rẻ nên tiêu thụ mạnh ở nông thôn. Năm địa phương sản xuất và tiêu thụ bia lớn nhất hiện nay là TP HCM, Hà Nội, Huế, Đà Nẵng và Hải Phòng.

Với hơn 10 nhãn hiệu bia có sức chi phối mạnh trên thị trường như Tiger, Heineken, San Miguel, Carlsberg, Sài Gòn, 333, Bivina, Bến Thành, Halida… thì bia Sài Gòn chiếm thị phần lớn nhất với gần 400 triệu lít/năm và doanh thu khoảng 4.000 tỷ đồng. Kế đến là bia Hà Nội trên 200 triệu lít/năm và nhà máy bia Việt Nam (Tiger, Heineken, Bivina) trên 100 triệu lít/năm, còn lại các nhãn hiệu khác chỉ vài chục triệu lít/năm.

Các "anh cả" chiếm thị phần lớn có sự phân chia lãnh địa tuy không rõ nét, nhưng cũng khá cụ thể: Bia Sài Gòn bán mạnh ở thị trường TP HCM và một số tỉnh, thành phố lớn; bia Hà Nội mạnh ở thị trường Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, Heineken chiếm thị phần cao cấp ở các nhà hàng, quán ăn sang trọng, Tiger mạnh nhất ở khu vực các tỉnh miền Tây và các nhà hàng tiệc cưới ở TP HCM…


Theo đại diện phòng tiêu thụ thị trường Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn, tuy lượng sản xuất bia của năm 2004 đã tăng hơn 10% so với năm 2003 nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu thị trường, ước tính phải đến 1.800 triệu lít/năm. Hiện nay do nhu cầu tiêu thụ bia dịp Tết tăng gấp 10 lần, nhu cầu mua bia để biếu, tặng tăng gấp 30 lần tháng bình thường, một số công ty lớn ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM lại chỉ làm bia lon vào tháng cuối năm nên tình trạng cầu lớn hơn cung quá nhiều đã gây nên sự biến động giá bia.

Không kể các nhà hàng, quán ăn, tại TP HCM có trên 3.000 điểm bán lẻ các loại bia và cả nước có đến cả chục nghìn điểm bán bia dịp tết. Khoảng 50 nhà phân phối lớn chi phối giá toàn bộ thị trường, đóng vai trò tổng đại lý hay đại lý cấp 1 cho các đơn vị sản xuất.

Theo những người phụ trách kinh doanh, tiếp thị của các nhãn hiệu bia tiêu thụ mạnh, do hợp đồng đã ký cả năm với các nhà phân phối nên không có tình trạng nhà sản xuất tăng giá. Ngoài yếu tố cầu lớn hơn cung như đã nói ở trên, giá còn bị tác động ở chỗ, hơn 50% lượng bia bán trên thị trường được sản xuất theo kế hoạch đều đặn hàng tháng; tháng Tết dù sức mua tăng gấp chục lần thì lượng sản xuất vẫn chỉ bằng tháng bình thường, và các nhà máy hầu như không có hàng dự trữ nên tổng đại lý nào vốn lớn, trữ hàng nhiều từ trước sẽ có cơ hội kinh doanh tốt.

Nhìn từ phía nhà sản xuất, có vẻ như nhà phân phối là người làm mưa làm gió giá thị trường bia Tết. Nhưng thực tế, chính cách hoạt động theo kiểu "lời ăn lỗ chịu" của nhà sản xuất đã buộc nhà phân phối phải chịu nhiều rủi ro thì dĩ nhiên họ phải làm giá tháng Tết để bù lỗ trong năm.

Theo chu kỳ, từ tháng 3 đến tháng 9 là giai đoạn kinh doanh từ lỗ đến hòa vốn hoặc lời rất ít của các đại lý. Bỏ vốn cả trăm tỷ đồng ngậm vào chi phí "cược vỏ chai" 24.000-66.000 đồng/két bia, lại luôn phải đạt mức tăng doanh số theo yêu cầu của các nhà máy sản xuất, có đại lý bán lỗ nhưng không dám khai báo lỗ vì sợ vi phạm quy định bán phá giá, đại lý chấp nhận lỗ tháng bình thường để đảm bảo được nhà máy cung cấp số lượng bia đủ bán tháng tết.


Liên tục trong ba năm qua, các công ty bia trong nước đã đầu tư mạnh để tăng sản lượng và xây dựng thương hiệu. Liên tục trong các tuần qua đã diễn ra các cuộc chiêu đãi, hội nghị khách hàng mời dự tiệc, tặng quà, tặng vé du lịch nước ngoài của các hãng bia để "o bế" nhà phân phối.

Mới đây nhất, công ty San Miguel Việt Nam tổ chức các đêm hội dành cho các VIP văn nghệ sĩ, người nổi tiếng để quảng bá bia San Mig Light- loại bia nhẹ mới, dự kiến sẽ tung ra tham gia bán tết này. So với doanh thu cả ngàn tỷ đồng mỗi năm, chi phí cho các chương trình uống bia trúng thưởng, mua bia tặng áo gió, hộp quẹt, bộ ly… trị giá vài tỷ đồng là con số quá nhỏ.

Ngay trong tháng Tết, dù biết không khuyến mãi vẫn bán hết hàng nhưng các nhãn hiệu bia bán chạy vẫn làm chương trình riêng để khuếch trương thương hiệu. Phát triển thị phần nhanh phải kể đến Tiger với các hình thức tài trợ cho các nhà hàng.

Theo nguồn tin riêng, dự kiến trong tháng 1/2005, trên thị trường sẽ có thêm ba loại bia mới, trong đó có loại bia tươi cao cấp dành cho giới doanh nhân. Cuộc chiến giành thị phần bia sẽ tiếp tục khốc liệt hơn.

Nếu thế yếu của công ty bia trong nước là về chi phí quảng cáo, khuyến mãi, kém về PR và tiếp thị thì họ lại hơn về giá rẻ, sản lượng tiêu thụ mạnh. Ngược lại các công ty bia liên doanh hoặc 100% vốn nước ngoài lại chiếm thị phần bia có giá mắc hơn, số lượng ít nhưng doanh thu cao.

(Nguồn: SGTT)